Kiến Thức Chuyên Ngành

Tiến hành thẩm định kỹ năng trong tổ chức như thế nào? (Phần 1)  

thẩm định kỹ năng

Việc thẩm định kỹ năng (Skills Audit) nội bộ giúp doanh nghiệp nhìn nhận khách quan về những thế mạnh của đội ngũ, cũng như những kỹ năng tiềm năng doanh nghiệp cần khai phá. 

Thời thế tạo thách thức: Cách mạng công nghệ, mô hình kinh doanh và cung cách làm việc mới buộc doanh nghiệp phải sáng tạo và cải thiện liên tục, trong khi vẫn đảm bảo sự ổn định của cả công cuộc. Để đạt được điều đó, không có cách gì ngoài việc duy trì sự phát triển của người lao động: Phát huy tối đa kỹ năng lõi và liên tục trau dồi kỹ năng mới. 

Skills Audit là gì?

Thẩm định kỹ năng đánh giá mức độ thành thạo kỹ năng của nhân viên, từ đó xác định lỗ hổng hoặc cơ hội phát triển cho từng cá nhân. Ở cấp độ tổ chức, “kiểm toán” kỹ năng vẽ nên bức tranh lớn, cho phép doanh nghiệp thấy được toàn bộ ưu và nhược của lực lượng lao động hiện tại. 

Thông thường, HR sẽ tiến hành kiểm tra kỹ năng thông qua bảng câu hỏi hoặc phỏng vấn trực tiếp. Bên cạnh đó, HR có thể đánh giá dựa trên các nguồn tin: Hệ thống quản lý người học (LMS), chứng chỉ đào tạo, thành tích công việc,…

3 lợi ích Skills Audit đem lại cho tổ chức:

  • Xác định bộ kỹ năng lực lượng đang sở hữu lẫn đang thiếu. Chưa kể, thẩm định kỹ năng giúp doanh nghiệp phát hiện những “tài năng” đặc biệt chưa từng được nhìn thấy ở từng nhân viên; 
  • Tổ chức lại nhân sự, đặc biệt trong thời gian tái cơ cấu doanh nghiệp. Ví dụ một ngân hàng định hướng phát triển mạnh công nghệ sẽ không cần vị trí giao dịch viên nữa. Thay vào đó, họ cần những nhân viên có thế mạnh về Tech. Và thẩm định kỹ năng sẽ đánh giá xem liệu trong lực lượng hiện tại; có những ai sẵn có khả năng này hay không?
  • Kiểm toán kỹ năng xác định sự hiện diện của các kỹ năng; và xem xét mức độ liên quan của bộ kỹ năng đối với các lĩnh vực doanh nghiệp có hứng thú. Đồng thời, kiểm toán kỹ năng còn nhận diện những kỹ năng cần được bổ sung trong tương lai nếu doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh. 

Đối với HR, hãy xem Skills Audit là một bài kiểm tra định kỳ; một công cụ chiến lược trong kế hoạch phát triển nhân sự. Vì ngày nay, mọi thứ chuyển động liên tục. Nếu không bắt kịp với những thay đổi ngoài kia, doanh nghiệp sẽ sớm bị bỏ lại.

thẩm định kỹ năng
source: freepik

Lưu ý: 

  • Skills Audit cần được đánh giá dựa trên mục tiêu và chiến lược kinh doanh của công ty;
  • Phân biệt rõ giữa thẩm định kỹ năng và phân tích nhu cầu đào tạo để tránh trùng lặp công việc.

Phân loại thẩm định kỹ năng

Như kienthuchr đã chia sẻ, thẩm định kỹ năng được chia thành 2 loại: Thẩm định cá nhân và thẩm định theo nhóm. 

Thẩm định cá nhân cho phép doanh nghiệp nắm bắt trình độ của nhân viên đối với một kỹ năng cụ thể; hoặc kỹ năng tổng quát. Đồng thời, phát hiện các lỗ hổng kỹ năng cần được trau dồi. Đánh giá cá nhân hữu ích cho những ai có dự tính thay đổi công việc; đang tiến hành kế hoạch phát triển bản thân; hoặc có thể sử dụng khi đánh giá kỹ năng cả đội nhóm. 

Thẩm định theo nhóm có sự tham gia của tất cả các thành viên của team hoặc công ty. HR tiến hành thẩm định nhóm khi cần “kiểm kê” trình độ kỹ năng của nhân viên. Và kết quả thẩm định cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích thẩm định nhóm. 

Nên tổ chức thẩm định kỹ năng khi nào? 

Đội nhóm hay tổ chức của bạn ngày hôm nay chắc chắn không thể giống 5 năm trước. Và thậm chí đã khác xa chính mình cách đây 1 năm. Người mới gia nhập, người cũ ra đi, thay đổi quy trình; thay đổi cách làm việc đều tạo ảnh hưởng đến lực lượng lao động. Vậy HR nên tiến hành “kiểm toán” kỹ năng khi:

  • Tạo ra vị trí mới: Bộ phận nhân sự cần xác định bộ kỹ năng; hoặc tính cách phù hợp cho vị trí này;
  • Nhân viên thay đổi vị trí: Thẩm định kỹ năng cá nhân nhằm giúp nhân viên phát huy thế mạnh; cải thiện điểm yếu trong vai trò mới của mình;
  • Nhân viên thuyên chuyển bộ phận: Việc kiểm tra nhằm đảm bảo kỹ năng của nhân viên “tương thích” với yêu cầu của phòng ban mới;
  • Dự án mới ra đời: Các dự án mới thường đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng đặc biệt. Công tác đánh giá kỹ năng càng cấp thiết hơn; nhằm nhanh chóng tìm ra các thành viên phù hợp để bắt đầu dự án;
  • Một phần của quản trị hiệu suất: Kiểm tra kỹ năng là công cụ xác định performance của nhân viên đang vượt mong đợi; trung bình hay kém hiệu quả. Từ đó, HR và trưởng bộ phận có thể đưa ra giải pháp thích hợp; để giúp nhân viên cải thiện. 

“Kiểm toán” kỹ năng đòi hỏi thời gian, nỗ lực và sự phối hợp của cả tổ chức. Để có kết quả tốt nhất, hãy sử dụng công nghệ; và phần mềm để xử lý và phân tích dữ liệu. 

Tại sao doanh nghiệp cần “kiểm toán” kỹ năng? 

Hiểu trọn vẹn những kỹ năng của đội ngũ hiện tại

Bên cạnh skill set cần thiết cho công việc, bạn có thể khám phá thêm nhiều kỹ năng “tiềm năng” trong đội ngũ. Đó có thể là skill nhân viên đạt được sau các khoá học; từ công việc trước đây, hoặc từ sở thích cá nhân. Biết đâu công ty có thể khai phá và phát triển những thế mạnh này? 

Phát hiện lỗ hổng kỹ năng

87% tổ chức được khảo sát nhận biết được vấn đề lỗ hổng kỹ năng ở hiện tại hoặc trong vài năm tới. Skills Audit sẽ phát hiện sớm tình trạng đó ở cấp độ cá nhân, phòng ban và cả công ty. Từ đó, đưa ra chiến lược đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhân viên lẫn mục tiêu kinh doanh của công ty ở cả hiện tại lẫn tương lai. 

thẩm định kỹ năng
source: freepik

Chẳng hạn một doanh nghiệp có ý định ứng dụng AI trong 5 năm tới. Họ sẽ cần đánh giá bộ kỹ năng của nhân viên liên quan tới trí tuệ nhân tạo như:

  • Khoa học dữ liệu (data science), quản trị dữ liệu (data management), máy học (machine learning), lập trình,…

Hỗ trợ công tác tổ chức đào tạo và các sáng kiến phát triển nhân tài 

Sau quá trình “kiểm toán” kỹ năng, doanh nghiệp sẽ phát hiện ra những kỹ năng còn thiếu; cũng như những kỹ năng mang tính cơ hội. Từ đó, bộ phận HR có thể vạch ra đường đi nước bước cho các chương trình đào tạo sắp tới; với mục đích lấp đầy lỗ hổng kỹ năng. Đồng thời thúc đẩy các kỹ năng tiềm năng đi xa hơn. 

Cải thiện công tác tuyển dụng 

Dựa trên những hiểu biết về phân bố năng lực trong công ty, bộ phận HR có thể đưa ra các quyết định tuyển dụng sáng suốt; và đúng trọng tâm hơn. Nếu trước đây HR thưỡng tuyển ứng viên “na ná” thành viên hiện tại; thì giờ họ dễ dàng nhận diện chân dung ứng viên phù hợp hơn. 

Cân bằng giữa mục tiêu cá nhân và tổ chức 

Mấy năm vừa qua, các tổ chức trên toàn cầu trải qua những biến động lớn về môi trường kinh doanh. Dẫn đến sự lỗi thời của một số kỹ năng nhất định. Lấy ví dụ, một chuyên viên sự kiện công ty vừa tuyển dụng vào năm 2020; qua năm 2021 phải đối mặt với bài toán tổ chức sự kiện online thay vì offline như trước đây. 

Skills audit cho phép nhân sự xác định chính xác những kỹ năng cần thiết đối với tổ chức trong tương lai. Và kịp thời triển khai các chương trình đào tạo; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên. 

Mời bạn đón đọc phần 2 của bài viết trong thời gian tới!

Có thể bạn quan tâm: