Học gì để trở thành HR? Sinh viên hoặc newbie cần học gì để cải thiện chuyên môn, lấy chứng chỉ gì để phát triển sự nghiệp trong ngành HR? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc và giới thiệu một vài khóa học HR uy tín trên thị trường.
1. Trước khi bắt đầu, bạn có biết khóa học HR có những gì?
Tổng quan nhất thì HR có 5 mảng chính:
- Thu hút tài năng (tuyển dụng và quảng bá thương hiệu nhà tuyển dụng) (TA &EB).
- Đào tạo và phát triển (L&D): Đào tạo phát triển năng lực, career path, lộ trình thăng tiến…
- Tiền lương và phúc lợi (C&B): Payroll, chấm công, tính lương, thưởng, bhxh, thuế tncn…
- Quan hệ lao động (ER): employee engagement, exit interview, giải quyết xung đột…
- Bộ phận đảm bảo và tuân thủ (Compliance): luật, quy định, nội quy…
HRBP cũng là một mô hình/giải pháp về nhân sự chứ không phải là một chức danh/vị trí HR trong doanh nghiệp.
Các công ty lớn hơn sẽ có thêm các bộ phận: đánh giá kết quả thực hiện công việc (Perfomamce), trải nghiệm nhân viên (EE), phát triển tổ chức và văn hoá (OD&Culture)… Lúc đó công ty sẽ có hai bộ phận chính trên cơ sở tổng hợp các bộ phận nêu trên:
- Quản trị Tài năng (Talent Management)
- Tổng đãi ngộ (Total Rewards)
Một số công ty nhỏ thì HR sẽ gộp chung với Hành chính và thành phòng HCNS.
Các mảng của HR sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuyển dụng cung cấp đầu ra cho L&D. Ví dụ: nhân viên tuyển vào có năng lực tới 80-90% th thì việc đào tạo sẽ giảm bớt, mức độ gắn bó với công ty cũng tăng lên, bạn cũng thăng tiến nhanh hơn nhưng yêu cầu về mức lương cao hơn… Một bạn làm TA rất cần được biết về L&D, C&B hoặc đánh giá kết quả thực hiện công việc… văn hoá công ty, bộ phận…
Trở thành một HRM (Human Resource Manager) đòi hỏi nhiều thời gian và trải nghiệm và không có đường tắt. HRM của 1 functional ví dụ (TA Manager, L&D Manager, C&B Manager…) sẽ khác với HRM (trưởng phòng) nhé. Nên không phải ai là HRM cũng giỏi toàn bộ các mảng của HR.
Căn cứ vào công việc của bạn đang làm và lộ trình phát triển để chọn các khóa học HR phù hợp với định hướng.
2. ĐÁNH GIÁ KHOÁ HỌC HR NHƯ THẾ NÀO?
Mình có khá nhiều thời gian nghiên cứu về Năng lực, đào tạo và đánh giá các chương trình đào tạo từ năm 2009 đến nay. Nên mình hiểu cách thức để đánh giá một khóa đào tạo như thế nào là tốt theo mô hình (ADDIE). Trong đó, mục tiêu đào tạo là cái yếu tố đầu tiên cũng là quan trọng nhất. Vì nếu không có mục tiêu đào tạo, sẽ không thể có phương pháp đúng và để khoá học đạt hiệu quả cao nhất.
Người học trưởng thành khác rất nhiều so với phương pháp học tập ở đại học hoặc lên lớp. Người học trưởng thành sẽ mang vấn đề, kinh nghiệm, góc nhìn riêng, trải nghiệm riêng vào lớp học, họ có mục đích/động cơ học tập rõ ràng (thăng chức, tìm việc mới…), họ cần được chia sẻ nhiều hơn là phải lắng nghe 1 chiều… nên khi thiết kế các mục tiêu đào tạo cần phân tích rõ nhu cầu đào tạo (TNA) để thiết kế chương trình phù hợp. Tránh đào tạo chỉ để làm tiền.
Trong thang bậc phân loại về tư duy của Bloom có 6 cấp bậc, trong đó cấp độ thấp nhất là Nhớ và Hiểu, cấp độ cao nhất là Sáng tạo. Cho nên, trong mục tiêu đào tạo cần chỉ rõ về cấp độ nhận thức và tư duy này và thể hiện rõ các KSA (kiến thức,kỹ năng, thái độ) cho người học.
Đối với mình, các khoá học bị đánh giá thấp là các khóa học HR có những từ:
- Nắm được
- Biết được
- Hiểu được
- Không có từ mô tả đúng với nguyên tắc thiết kế bài học và đánh giá hiệu quả đào tạo.
Cần phải có từ ngữ mô tả chính xác như thế nào là nắm được, như thế nào là hiểu được, như thế nào là biết như: mô tả được, liệt kê được, kể được, phân tích được…
Đánh giá đào tạo có tổng cộng có 4 cấp độ. Đánh giá về mức phản ứng – phiếu khảo sát sau khóa học (mức 1) và kết quả học tập qua bài test (mức 2) là phổ biến. Cần hiểu rõ khóa học HR được đo lường và đánh giá kết quả như thế nào để chọn khoá học phù hợp.
Đối với HR, người nào càng có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm tổng hợp sẽ có góc nhìn tổng hợp tốt hơn và sự liên kết với các functions trong HR, giúp cho học viên có góc nhìn đa chiều bên cạnh các chuyên môn. Nhiều người chỉ tập trung vào 1 mảng duy nhất thì họ cũng chỉ hướng dẫn để làm việc đó và bảo vệ công việc đó mà thôi.
3. TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG NHẤT LÀ GÌ?
3.1. Thống nhất quan điểm:
- Đi học là để bổ sung kiến thức và tư duy, cách làm, phương pháp… theo mục tiêu đào tạo là kiến thức, thái độ. Đi học 1 vài buổi không thể học kỹ năng. Kỹ năng phải làm nhiều mới có được. Nhiều bạn thường bị gạt về vấn đề này và sau khi học xong, chả thấy kỹ năng đâu mà chỉ thấy mất tiền. Đời không như lời đồn của trung tâm, thầy giáo…
- Training chỉ can thiệp vào GAP giữa năng lực hiện tại và năng lực chuẩn. 1 người làm việc không hiệu quả do: thiếu nguồn lực, thiếu quy trình, thiếu phương pháp, thiếu chỉ dẫn, công cụ hoặc thiếu quyền quyết định… chứ không phải lúc nào cũng là do họ thiếu kỹ năng.
- Người hướng dẫn giỏi là người thổi hồn nhân cách chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Là người giúp học hiểu rõ bản thân họ, khuyến khích người học tự trau dồi bản thân, phát triển toàn diện về nhân cách và đạo đức nghề nghiệp. Những người xài chiêu lậu, xài tips hack, chỉ cách đi trái lại quy tắc xã hội, đạo đức… thì ở góc độ nghề giáo đã là sai.
- Không phải ai làm giỏi cũng có thể trở thành người training giỏi. Nên xem lại toàn bộ những gì người đó làm và hành vi của người đó trong một thời gian dài.
3.2. Chọn như thế nào?
Đừng nghe quá nhiều review và comment của người khác. Đấy đều là PR nội bộ của họ cả. Hãy cảm nhận bằng việc tiếp cận với trường, với giảng viên thông qua quá trình tiếp xúc trực tiếp. Đào tạo là một loại hình dịch vụ, cho nên chất lượng dịch vụ phần nào nói lên được chất lượng đào tạo.
+ ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN
- Có tư cách pháp nhân, có xuất hoá đơn và đóng thuế. Cái này là đạo đức cơ bản nhất của người làm thầy
- Quan sát và tìm hiểu kỹ về năng lực, quá trình làm việc, các trải nghiệm về công việc HR. Các ông nào càng làm 1 công việc quá lâu thì cũng không tốt. Trải nghiệm nhiều mảng, nhiều ngành nghề sẽ giúp học viên có được góc nhìn xa hơn, rộng hơn, đa chiều hơn và chỉ cho học viên được tương lai sẽ đi tới đâu thay vì giới hạn khung để ép học viên học các lớp học
- Quan điểm sống: cho đi và tạo giá trị cho cộng đồng hơn là chỉ muốn nhận. Kiểu này sẽ đối xử với học viên khác và chỉ vẽ ra các khóa học HR để kiếm tiền. Giấu nghề, không muốn chia sẻ và giấu kinh nghiệm thực tiễn hoặc chỉ loè về kiến thức nhưng về chiều sâu thì không có, không đi vào bản chất của vấn đề.
- Xem kỹ về nhân tướng, về hành vi trong cuộc sống, trên mạng xã hội, khẩu khí, từ ngữ, lời nói, thái độ… để đánh giá toàn diện hơn trước khi tham gia khóa học. Người đạo đức sẽ chỉ bạn sống đạo đức, người thiện lương sẽ hướng bạn tới lương thiện, người có năng lực sẽ hướng đến thực lực, người không có thực lực sẽ giở chiêu trò và lấp liếm…
+ ĐỐI VỚI TRƯỜNG:
- Có tư cách pháp nhân, có xuất hoá đơn và đóng thuế. Cái này là đạo đức kinh doanh
- Có đội ngũ giáo viên năng lực tốt và được công khai (nếu năng lực đội ngũ yếu họ sẽ không show ra)
- Cơ sở vật chất tốt, mức độ đầu tư cho các khóa học HR(làm ăn nghiêm túc sẽ đầu tư dài hạn)
- Có đảm bảo và cam kết về đầu ra (tự tin năng lực sẽ tự tin về chất lượng đào tạo).
Chọn trường không quan trọng bằng chọn người để học. Nếu chưa biết thầy nào thì có thể chọn trường trước rồi từ từ tìm hiểu thêm. Học nhiều thầy mới biết hợp thầy nào vì mỗi người một phương pháp, một năng lực.
Chọn các khóa học HR thật ra không khó nhưng điều quan trọng nhất là xác định rõ mục tiêu học tập, lộ trình học tập và chọn người hướng dẫn phù hợp (người thầy) để có thể tôn trọng về năng lực, về đạo đức và nhân cách hơn là được PR quá lố trên mạng.
Và năng lực quan trọng nhất của người học ngoài việc tự học liên tục thì năng lực chọn thầy, chọn người hướng dẫn là một điều then chốt nhất.
Một vài khóa học HR nổi tiếng thế giới
- 1. Khóa học Kỹ năng phát triển nghề nhân sự – Skills for your HR future (AIHR)
- 2. Khóa học Hành chính Nhân sự cho người mới bắt đầu – Administrative Human Resources (HR) for Beginners (Udemy)
- 3. Khóa học Chuyên gia liên kết Quản trị nhân lực (aPHR) – Associate Professional in Human Resource
- 4. Chứng chỉ chuyên nghiệp từ Society for Human Resource Management (SHRM) – SHRM Certified Professional
- 5. Viện Quản lý Nhân sự và Phát triển (CIPD) – Level 3 Foundation Diploma in Human Resources Practice
Chúc các bạn thành công