Chuyện Nghề HRNews

Chào đón nhân viên mới, doanh nghiệp nên tặng quà gì? (Phần 1)

nhân viên mới

Những món quà chào đón chu đáo dành cho nhân viên mới giúp công ty tạo nên ấn tượng tốt đẹp ban đầu với tư cách là nhà tuyển dụng. Hơn thế, việc tặng quà còn đem lại cảm giác được chào đón cho thành viên mới. 

Xét về khía cạnh thương hiệu nhà tuyển dụng, hình ảnh của những welcome kit này sẽ là tư liệu tuyệt vời để làm content marketing. Chưa kể, một số nhân viên sẽ thích thú khoe hộp quà lên mạng xã hội hay các trang review công việc, đóng góp đáng kể giúp lan truyền và củng cố thương hiệu nhà tuyển dụng vốn có của công ty. 

Luôn có quà tặng phù hợp với ngân sách của bạn mà vẫn đảm bảo ý nghĩa. Dưới đây là 11 gợi ý từ kienthuchr, cùng tìm hiểu!

1. Thư chào mừng, viết bằng tay

Thư chào mừng không cần quá dài dòng, chỉ cần vài dòng ngắn bày tỏ sự chào đón và hào hứng đối với thành viên mới là đủ. Gọi là thư, nhưng bạn có thể sử dụng nhiều “phương tiện” khác như email, tờ note, bảng trắng, postcard có dán ảnh team để gửi gắm thông điệp. 

nhân viên mới
source: freepik

Cảm giác “được chào đón” rất quan trọng vào những người mới gia nhập. Một khảo sát từ Clear Company cho thấy những công ty có quy trình onboarding chỉn chu tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên mới lên đến 52%.

Những ghi chú viết tay như thế này vừa dễ làm, vừa kinh tế, lại tạo ra trải nghiệm tích cực cho nhân viên mới thì bạn ngại gì không thử chứ? 

2. Tai nghe chống ồn

Nếu kinh phí cho phép, bạn có thể tặng một cặp tai nghe chống ồn cho nhân viên mới. Đây chắc chắn là một món quà tuyệt vời “giải cứu” họ khỏi thế giới ồn ào xung quanh và 100% tập trung vào công việc của mình. 

Nên chọn những loại tai nghe đem lại cảm giác thoải mái khi đeo cả ngày và có khả năng sạc nhanh để giảm gián đoạn lúc làm việc. Ngoài ra, sẽ thật tuyệt vời nếu tai nghe hạn chế rò rỉ âm thanh để nhân viên thoải mái nghe nhạc ở âm lượng lớn mà không gây ảnh hưởng đến đồng nghiệp. 

3. Đồ dùng văn phòng

Đồ dùng văn phòng là phần cơ bản nhưng thiết yếu nhất mà mọi công ty nên trang bị cho nhân viên của mình. Một số món phải kể đến là:

  • Sổ tay;
  • Bút ghi và bút đánh dấu;
  • Sticky note;
  • Hộp lưu trữ tài liệu;
  • Bao thư và danh thiếp;
  • Kẹp giấy, kéo và kim bấm;
  • Bộ dụng cụ vệ sinh laptop;
  • Nước rửa tay.

Ở mục này cũng cần để ý, chỉ cung cấp những dụng cụ thật sự quan trọng. Tránh trường hợp biến bàn làm việc của nhân viên thành “quầy văn phòng phẩm lưu động”.

4. Đồ dùng in tên công ty 

Những món đồ được thiết kế riêng và in tên công ty là quà tặng phổ biến cho nhân viên mới hay trong dịp kỷ niệm đặc biệt. Không chỉ khơi gợi cảm giác tự hào khi sử dụng, những đồ dùng này còn góp phần tạo nên sự gắn kết vô hình giữa mỗi cá nhân và công ty. 

Và đó là: 

  • Chai nước;
  • Áo thun hoặc áo khoác;
  • Cây bút;
  • Tấm lót chuột;
  • Sổ ghi chép;
  • Dây đeo cổ;
  • Túi tote, balo, túi đựng laptop;
  • Cốc cà phê, ly giữ nhiệt;
  • Túi đựng đồ ăn.

Bạn có thể giúp món quà chào mừng trở nên đặc biệt hơn bằng cách khắc tên nhân viên lên từng món đồ. Điều này đồng thời xua tan sự bối rối khi nhìn vào mấy cái cốc y hệt nhau và không biết cái nào là của mình. 

5. Đồ ăn vặt

Những món ăn vặt như bánh quy, trái cây, các loại hạt, thanh granola, cà phê, trà,… giúp nhân viên tái tạo năng lượng giữa giờ làm việc. Trong khu vực ăn uống, công ty có thể thiết kế thêm tủ đồ dành cho bánh kẹo đồ uống. Một việc làm nhỏ nhưng chiếm được nhiều thiện cảm từ nhân viên.

Đối với các công ty muốn tặng đồ ăn cho nhân viên mới, nhớ “khảo sát nhanh” xem bạn nhân viên đó có dị ứng với thành phần nào không nhé. Và đừng quên ủng hộ sản phẩm từ các doanh nghiệp tại địa phương. 

6. Thư mục chào đón nhân viên mới

nhân viên mới
source: freepik

Một cách trọn vẹn để chào mừng nhân viên mới và giúp họ nhanh chóng làm quen với công ty chính là thiết lập thư mục, với đầy đủ các hạng mục dưới đây: 

  • Bản sao của offer letter;
  • Lời nhắn từ CEO;
  • Thủ tục giấy tờ cần hoàn thành;
  • Bảng thông tin cá nhân;
  • Cơ cấu tổ chức;
  • Thông tin bảo hiểm;
  • Thông tin liên hệ của bộ phận HR và các bộ phận khác;
  • Khảo sát nhân viên mới.

Bộ phận nhân sự có thể đính kèm một số thông tin về văn hoá công ty, ví dụ: 

  • Cách thức giao tiếp giữa nhân viên và các bộ phận;
  • Cách công ty đánh giá và “ăn mừng” các thành tựu và cột mốc kinh doanh;
  • Chính sách khen thưởng cho nhân viên làm việc vượt hiệu suất. 

Thực tế, không nhiều công ty cung cấp thông tin một cách bài bản và nhanh chóng. Nên thư mục này sẽ giúp công ty “ghi điểm” với nhân viên ngay từ ngày làm việc đầu tiên. 

7. Sổ tay hướng dẫn nhân viên (Employee handbook) 

Sổ tay nhân viên chứa đựng trọn vẹn thông tin về lịch sử công ty, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi. Trong đó còn chia sẻ rõ ràng các chính sách; và quy định khác nhau của công ty, chẳng hạn như: 

  • Điều kiện làm việc;
  • Lương thưởng và phúc lợi;
  • Số ngày làm việc và nghỉ phép;
  • Điều kiện và giờ làm việc áp dụng cho nhân viên tại văn phòng, nhân viên làm việc từ xa và nhân viên hybrid;
  • Đánh giá hiệu suất công việc;
  • Quy trình và thủ tục làm việc;
  • Truyền thông;
  • Chống quấy rối công sở;
  • Công nghệ trong doanh nghiệp. 

Bạn có thể tặng kèm sổ tay nhân viên với welcome kit, hoặc in riêng cho mỗi bộ phận trong công ty một cuốn và chỉ dẫn nhân viên mới đọc qua. 

8. Sạc dự phòng

Năng lượng của điện thoại và laptop luôn là một vấn đề nóng hổi, bởi công nghệ càng hiện đại lại càng “ngốn” pin. Trong khi nhiều người vừa phải di chuyển và làm việc cùng lúc, họ cần các thiết bị luôn đạt trạng thái 100% năng lượng. 

Giải pháp cho bài toán đau đầu này chính là sạc dự phòng. Hai điều đáng chú ý là hãy chọn thương hiệu uy tín và tìm kiếm mức dung lượng ít nhất là 10.000 mAh. 

Mời bạn đón đọc Phần 2 của bài viết vào thời gian tới!

Có thể bạn quan tâm: