Chuyện Nghề HRNews

8 bài học thực tiễn về nuôi dưỡng và phát triển nhân tài

Ngày càng nhiều doanh nghiệp dành sự quan tâm đặc biệt vào việc xây dựng kế hoạch Phát triển nhân tài (Talent development); đặc biệt là trong thời đại số! Trọng tâm của chương trình này là đào tạo kỹ năng cho nhân viên nương theo định hướng kinh doanh của tổ chức, thu hẹp mọi khoảng cách năng lực và mở đường cho những người xứng đáng ghi danh mình vào danh sách kế nhiệm trong tương lai. 

Việc này có ý nghĩa quan trọng vì nó giúp định hình sự phát triển bền vững; dài lâu của công ty. Nếu doanh nghiệp của bạn vẫn còn xa lạ với khái niệm này, mời bạn cùng kienthuchr nghiền ngẫm trọn vẹn bài viết dưới đây!

Một định nghĩa về Phát triển nhân tài

Chương trình Phát triển nhân tài là tập hợp các khoá đào tạo; và huấn luyện chuyên sâu giúp nhân viên củng cố những kỹ năng hiện có. Đồng thời tìm kiếm và đào tạo nhóm kỹ năng mới; mà công ty nhận thấy “tương thích” với tầm nhìn kinh doanh 5 năm, 10 năm, 20 năm sau nữa. Điều này đảm bảo sức cạnh tranh ổn định của công ty trong một đại dương đỏ biến hoá liên tục. 

Sức mạnh của sự đào tạo!

Thông thường, khi nhân viên mới được đào tạo dựa trên các mục tiêu của công ty thì bản thân họ ít cảm thấy chơi vơi; và có khả năng tạo ra một sự nghiệp thành công trong dài hạn. Họ thấy được 1 năm tới hay 3 năm tới họ nên đứng ở vị trí nào trong tổ chức. Đồng thời, họ biết cách kết nối cũng như cân bằng giữa mục tiêu cá nhân; và mục tiêu công ty. Chỉ cần công ty hết lòng đầu tư vào con đường  của họ, họ sẽ trở thành những nhân viên trung thành nhất. 

phát triển nhân tài
phát triển nhân tài (source: freepik)

Như bạn thấy đó, phát triển nhân tài không chỉ là lớp đào tạo cơ bản cho nhân viên mới; hay buổi giới thiệu các quy định và chính sách của công ty. Khái niệm phát triển nhân tài rộng lớn hơn thế nhiều. Và tất nhiên, mọi chiến lược phát triển nhân tài nên được cấu trúc lớp lang. Và từng hạng mục trong đó cần gắn bó chặt chẽ với mục tiêu chung của tổ chức. 

Mỗi doanh nghiệp nên nhận thức rõ để đứng vững trong một thị trường đầy biến động như hiện nay. Cần bỏ rất nhiều nỗ lực vào công tác đào tạo; hỗ trợ và động viên nhân viên. Bằng cách đó, đội ngũ của bạn mới duy trì trạng thái tinh thần; và bộ kỹ năng làm việc tốt nhất.

Tại sao doanh nghiệp nên ưu tiên phát triển nhân tài?

Nếu công ty bạn đang đau đầu vì sự leo thang của các vấn đề như khoảng cách kỹ năng hay nhân viên nhảy việc, đã đến lúc bạn đưa chương trình phát triển nhân tài vào trong công ty. 

Có thể tóm tắt tình hình thị trường lao động hậu đại dịch như sau: Anh tài sáng giá tìm việc không ra, còn vô số công ty thì quay quắt vì không tìm được đúng người. Nhiều người sẽ nghĩ, rõ ràng cung cầu rất lớn, tại sao các công ty không tuyển nhóm anh tài đó? Vấn đề là như vậy nằm ở mức độ phù hợp, bởi những năng lực vượt trội ở nhóm nhân viên này chưa chắc đáp ứng chính xác nhu cầu hiện giờ của công ty. 

Việc thuê bất cứ ai ở ngoài kia tìm việc không tính đến tương lai sẽ ra sao. Ngược lại, bạn quản lý tốt việc phát triển tài năng của mình như thế nào có thể là sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Thay vì “nhắm mắt đưa chân” tuyển đại, đầu tư vào kế hoạch phát triển đội ngũ hiện tại có lẽ đúng đắn hơn chăng? 

Ví dụ thực tế!

Một thực tế khác công nghệ đang tạo ra trên thị trường lao động, đó là nhiều công việc đã trở nên lỗi thời và hàng chục nghìn công việc mới sẽ ra đời tính đến năm 2030 (theo khảo sát của BCG). Nhu cầu về lao động có tay nghề trong các lĩnh vực liên quan đến máy tính, STEM, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và giáo dục được dự đoán tăng cao. Vậy nhưng, chính những ngành nghề này phải trải qua tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động vì một phần lực lượng nòng cốt đến tuổi nghỉ hưu, một số khác dự định chuyển hướng nghề nghiệp và các lý do kinh tế đặc thù khiến ứng viên chạy theo những công việc trả lương cao hơn. 

Chưa hết, vẫn còn 5 lý do quan trọng để doanh nghiệp hết mình với chiến lược phát triển nhân tài: 

Đảm bảo vị thế của doanh nghiệp trong tương lai

Mục tiêu số một của kế hoạch phát triển nhân tài là trao cho nhân viên nhân viên khả năng đối mặt với tương lai bất định, bằng cách tăng cường năng lực cạnh tranh cá nhân của họ. Kết quả là công ty sở hữu một đội ngũ tinh nhuệ, thừa sức giúp công ty chinh phục những mục tiêu kinh doanh mới. 

Ngoài ra, việc này góp phần giảm áp lực tuyển dụng, không còn phải liên tục thay thế nhân viên đã đến tuổi hoặc nhân viên không được việc. 

Cải thiện tương tác của nhân viên

Công ty có thể thiết kế lộ trình nghề nghiệp cho từng nhân viên (có tính đến kỹ năng và mục tiêu cá nhân), từ đó đề xuất chương trình học tập phù hợp giúp họ thành công hơn trong công việc. Khi nhân viên cảm thấy công ty đang đầu tư cho mình, họ sẽ càng tích cực cống hiến và nỗ lực phát triển. 

Phát triển ý tưởng và cơ hội kinh doanh mới mẻ 

Bạn mưu cầu sự đổi mới, khách hàng đẳng cấp và lợi nhuận lớn hơn? Thế thì phải đầu tư ngay vào chương trình phát triển nhân tài thôi. Khi nhân viên cảm nhận được sự trân trọng của công ty và cả khi họ được thúc đẩy để “lớn lên”, biết đâu họ sẽ nảy ra những ý tưởng kinh doanh đầy táo bạo ở những nơi tưởng chừng không thể.

Đội ngũ quản lý hiệu quả hơn

Cứ ngỡ cấp quản lý đủ rắn rỏi rồi, không cần đào tạo nữa. Thực tế thì mỗi giai đoạn, người ta phải những bài học trưởng thành khác nhau. Cụ thể ở đây là phong thái và phương cách lãnh đạo đúng đắn. Phần lớn trường hợp, một nhân viên trở thành sếp nhờ vào khả năng chuyên môn. Và những va chạm trong lúc quản lý sẽ giúp họ vỡ ra, họ chưa được trang bị để trở thành sếp và họ cần kỹ năng leadership.

Tăng khả năng giữ chân nhân viên

Khảo sát của LinkedIn tiết lộ, có đến 94% nhân viên chọn ở lại công ty lâu; nếu công ty đó sẵn sàng đầu tư vào sự phát triển của họ. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong giai đoạn chuyển dịch phương thức làm việc; từ văn phòng đến nhà ở như hiện nay. Nhân viên được quan tâm; trân trọng và luôn ở trạng thái “kết nối” với công ty; công việc và đồng nghiệp. Họ hoàn toàn thỏa mãn; và không có lý do gì có thể khiến họ rời bỏ công ty, ngay lúc này. 

8 định hướng góp phần cải thiện chiến lược phát triển nhân tài cho công ty 

1. Hiểu rõ mục tiêu của công ty 

Kế hoạch phát triển nhân tài nên được xây dựng; và điều chỉnh theo tầm nhìn, mục tiêu chung của tổ chức. Điều này giúp công ty ra quyết định “đầu tư” đúng đắn và phù hợp. Lấy ví dụ, công ty dự định chuyển đổi sang công nghệ máy học (Machine learning). Nó nghĩa là công ty cần chú trọng phát triển kỹ năng của đội ngũ trong lĩnh vực này để bảo đảm khả năng thành công trong tương lai. 

2. Nhận diện cơ hội nâng tầm kỹ năng

Tiến hành một cuộc “kiểm kê” bộ kỹ năng hiện có của nhân viên. Xác định kỹ năng nào đang được tận dụng và kỹ năng nào còn “phủi bụi nằm im”. Cách này giúp người quản lý nhìn thấy tiềm năng ẩn của từng nhân viên; và tìm không gian phù hợp để nhóm kỹ năng này được đưa ra ánh sáng!

Ngoài ra, bạn cũng nên nhận diện những nhóm công việc có xu hướng nổi lên trong tương lai. Từ đó, tìm kiếm nhóm nhân viên đã sở hữu bộ kỹ năng cơ bản; và tiến hành đào tạo lại, sẵn sàng đảm nhận những cương vị mới. 

3. Đa dạng hóa phương pháp đào tạo

Mở rộng loại hình học là cách để bạn xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với toàn bộ nhân viên. Không cứ phải lớp học kéo dài 3-4 tiếng với giảng viên thỉnh giảng có tiếng mới là đào tạo. Đào tạo có thể là on the job training, mentorship, học trực tuyến (E-learning), tự học,… Xây dựng kho nội dung chỉn chu; và “nhờ cậy” đến sự quan sát của team leader góp phần không nhỏ vào sự thành công của kế hoạch phát triển nhân tài. 

phát triển nhân tài
phát triển nhân tài (source: freepik)

4. Tạo dựng văn hoá học tập suốt đời

Khuyến khích nhân viên dành thời gian đều đặn mỗi ngày cho việc học tập là điều mọi tổ chức nên làm. Đồng thời, hãy tìm cách nâng tầm những lời động viên nhỏ lẻ đó thành văn hoá cốt lõi của doanh nghiệp.

Visa là một ví dụ tuyệt vời ở hạng mục này. Công ty đã tạo ra văn hoá học tập mạnh mẽ bằng cách thành lập các nhóm học tập; Visa University và các chương trình đào tạo linh hoạt theo sự phát triển của ngành. 

5. Huấn luyện hiệu suất

Huấn luyện hiệu suất (Performance coaching) là một hình thức đào tạo tại chỗ (OJT – On the job training); khuyến khích sự phát triển ở nhân viên thông qua các tương tác hàng ngày: Đào tạo, giao nhiệm vụ, bổ sung nhiệm vụ, tự học,… Đây là một phần khá quan trọng trong chương trình phát triển nhân tài.

Cấp quản lý có thể sử dụng ma trận Skill Will để xác định cách thức huấn luyện phù hợp cho từng nhân viên. Và đừng quên vạch rõ bộ chỉ số đo lường! Vì nói gì thì nói, cái đích cuối cùng của chuyện học cũng là hành; và làm việc có hiệu quả. 

6. Đào tạo lãnh đạo từ sớm

Sớm xác định nhóm nhà lãnh đạo tương lai của công ty; và chuẩn bị kế hoạch bồi dưỡng họ từ sớm. Việc xây dựng những nhà lãnh đạo kế thừa; nhằm giúp công ty sẵn sàng trước mọi biến động của thời cuộc và nội bộ. Chưa kể khi được đào tạo leadership từ sớm, những nhân viên tiềm năng này có thời gian thực hành; và đúc kết văn hoá và phong cách lãnh đạo của riêng mình. Từ đó cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp và xa hơn trong tương lai, cấp dưới của họ. 

7. Tập hợp nỗ lực của tất cả các bên liên quan 

Phát triển nhân tài không phải chuyện của riêng một cá nhân hay phòng ban nào. Đó là nhiệm vụ ở quy mô tổ chức, từ ban lãnh đạo, phòng nhân sự, trưởng phòng/ team leader cho đến nhân viên. Do đó, bạn nên thiết lập uỷ ban thường trực để đánh giá tiến độ; và kịp thời xử lý “lỗ hổng” phát sinh, nếu có. 

8. Đều đặn đánh giá và cải thiện

Đừng quên theo dõi, ghi chép và đối chiếu số liệu với mục tiêu đã đề ra. Một số hệ thống quản trị nhân sự có tích hợp báo cáo mảng đào tạo. Bên cạnh đó, bạn nên thu thập ý kiến thực tế từ nhân viên về chất lượng đào tạo; và kịp thời điều chỉnh chiến lược, nếu thật sự cần thiết. 

Tóm lại là

8 gợi ý trên đây, khi được áp dụng đúng đắn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho công ty:

  • Tăng cường năng lực cạnh tranh nhờ vào đội ngũ mạnh kỹ năng, dày kiến thức;
  • Phát triển tương tác giữa nhân viên và công ty, cải thiện biên lợi nhuận kinh doanh;
  • Tăng cường tỷ lệ giữ chân nhân viên, giảm thiểu gánh nặng tuyển dụng. 

Không bao giờ quá muộn để đầu tư vào kế hoạch phát triển nhân tài. Đó là một quá trình dài và kỹ lưỡng về mặt chiến lược, thiết kế và thực thi. Đến cuối cùng, bản thân nhân viên và công ty sẽ gặt hái chính những trái ngọt mình đã gieo trồng – sự phát triển bền vững tột cùng!

Có thể bạn quan tâm:

Leave a Reply

Your email address will not be published.